"Phi công" điều khiển máy bay từ… mặt đất

Những thành viên trong Câu lạc bộ hàng không phía Bắc thường trào phúng tự xưng mình là những "phi công". Gọi là phi công cũng không sai, vì họ điều khiển máy bay. Chỉ có một điểm khác biệt: máy bay của họ là những chiếc máy bay tí hon, được "phi công" điều khiển từ xa. Suốt hơn 4 năm nay, cứ mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, người ta lại thấy hàng chục thành viên của CLB tập hợp ở sân bay Gia Lâm để thỏa mãn đam mê điều khiển máy bay tí hon lượn trên trời.

Máy bay nhỏ, túi tiền to
Với những người đam mê, chiếc máy bay điều khiển từ xa không phải là một món đồ chơi. Nó là một chiếc máy bay thực thụ mô tả chính xác hình dáng, nguyên tắc vận hành như một máy bay thật, chỉ có sự khác biệt ở kích thước và trọng lượng.

Hai loại máy bay mô hình điều khiển từ xa được ưa chuộng nhất là máy bay cánh bằng (Plane), chỉ bay được khi có đường băng; và trực thăng (Helicopter) bay ở mọi địa hình. Các hãng máy bay mô hình được người chơi Việt Nam ưa thích tìm mua như Vario, Kyosho, Thunder Tiger, T-REX... Trong dòng Helicopter thì T-REX là loại được sử dụng nhiều hơn cả. Kích cỡ của Helicopter căn cứ vào chiều dài của cánh quạt như T-REX250 (250mm), T-REX500 (500mm), T-REX600 (600mm), T-REX700 (700mm). Những chiếc Plane thì có sải cánh rộng hơn, có chiếc sải cánh đến 2,5m...

Máy bay thì tí hon, nhưng số tiền bỏ ra để mua một chiếc máy bay biểu diễn thì không hề... tí hon chút nào. Các thành viên trong CLB cho biết, giá một chiếc máy bay trung bình khoảng 1000 USD (gần 20 triệu VNĐ), thường được đặt mua từ nước ngoài.

Máy bay mô hình hoạt động thông qua hệ thống vô tuyến điện điều khiển từ xa. Những người mới chơi thường lựa chọn máy bay mô hình ráp sẵn giá vài trăm ngàn đến vài triệu đồng (có kèm cả bộ điều khiển) để tập "bay" có tai nạn cũng đỡ xót tiền. Những người đã "cao tay" thì thường chọn mua bộ điều khiển riêng, máy bay riêng và giá của bộ điều khiển có khi còn cao hơn giá mua máy bay. Một bộ điều khiển từ xa thường có phạm vi điều khiển trung bình khoảng 2km. Những người "có nghề" thì lại chứng tỏ "đẳng cấp" cao hơn: tự mày mò tìm mua linh kiện phụ tùng "độ" lại cho hợp ý thích.

Trần Cường, một thành viên trong CLB cho biết, có ba loại động cơ máy bay sử dụng trong máy bay biểu diễn: động cơ điện dùng pin Lipo, động cơ nổ dùng Methanol, và động cơ phản lực y hệt như động cơ máy bay thật. Tuy nhiên động cơ phản lực không được dùng phổ biến trong những cuộc chơi máy bay trình diễn vì giá thành một bộ động cơ phản lực có thể lên tới cả trăm triệu đồng.

Với loại động cơ điện thì người chơi phải dùng nhiều cục pin Lipo cho một buổi tập, trung bình một pin sạc đầy chỉ bay được khoảng 3-5 phút. Với động cơ nổ thì có 2 loại lựa chọn: Methanol nguyên chất giá khoảng 20 ngàn đồng/lít, hoặc nhiên liệu chuyên dụng pha khoảng 30% chất kích nổ Nitro giúp động cơ chạy bốc hơn. Thông thường, 1 lít nhiên liệu này sẽ "bốc hơi" chỉ trong vòng 15 phút bay.

"Chơi" khó hơn làm việc

Để "bay" như một "phi công" thực thụ, người điều khiển máy bay đều phải học kỹ năng cơ bản từ những cuốn giáo trình hướng dẫn bay và kinh nghiệm của "tiền bối". Trước khi bay, người chơi thường tập luyện trước trên phần mềm giả lập bay để định hình được đường bay và cảm nhận độ khó của việc cầm lái trên không. Anh Cường cho biết: "Để "nhấc" máy bay lên khỏi mặt đất trong điều kiện bình thường mà không rơi thì mất khoảng 1 tháng, với người chơi kiên trì học hỏi thì khoảng 1 năm mới có thể điều khiển máy bay thành thục. Muốn đạt đến "đẳng cấp quốc tế" thì người chơi phải mất đến 4 năm".

15m là khoảng cách an toàn giữa "phi công" và "chim sắt" để trình diễn kỹ thuật bay. Các đường bay phức tạp như tiến ngửa, lùi ngửa, bay hình phễu, lưỡi dao, vòng xoáy... là thách thức lớn với mỗi "phi công". Chỉ riêng đường bay xoáy tròn, "phi công" cũng phải mất cả năm trời mới có thể thực hiện được.

Anh Vũ Phương (ngụ Giảng Võ, Hà Nội), một thành viên trong CLB cho biết, cảm giác mạnh nhất là điều khiển máy bay nhào lộn, nghe được cả tiếng cánh quạt xé gió. Một số chiêu "độc" của "phi công" như điều khiển máy bay thật nhanh lao thẳng lên cao sau đó đột ngột lộn vòng đổi hướng, cắm đầu xuống, lao thẳng máy bay vào người điều khiển, chỉ cách 0,5 đến 1 mét rồi lại quay hướng, hoặc cho bay cực nhanh sát mặt đất chỉ 30cm...

Gọi là trò chơi nhưng lại phải kỳ công học hỏi, kỳ công đầu tư tiền bạc, thời gian như vậy nên theo các thành viên trong CLB, trò chơi này rất "kén" người. Ước tính của các thành viên cho thấy: cứ 100 người gia nhập thì 90 người bỏ sau đó vài tháng. Trong số10 người còn lại thì có đến 8 người chơi "buổi đực buổi cái", chỉ sót 2 người là thực sự đam mê và có "trình" cao. Không ít người chơi chỉ sau một tuần đã vứt máy bay đi, có người chỉ ngồi 30 phút ôm máy tính bay thử phần mềm lập trình thì đã từ bỏ ý định tham gia. Một thành viên nói: "Với dân chơi máy bay mô hình thì đam mê là điều kiện cần, kinh tế là điều kiện đủ, và hai điều kiện luôn phải đi liền với nhau mới có thể tạo nên một "phi công" cừ khôi".

Thích lên trời, túi tiền cũng... bay lên trời

Người chơi máy bay mô hình sợ nhất trường hợp máy bay tai nạn. Khi đó, "chim sắt" con cưng rớt xuống chỉ trở thành... đống sắt vụn.

Trước khi bay, "phi công" thường cẩn thận kiểm tra từng con ốc, bộ đề, thay xăng, sạc pin, thậm chí làm cả những công việc của... cơ quan khí tượng thủy văn như đo sức gió, đo độ ẩm... Thế nhưng, vẫn có vô vàn lý do để máy bay có thể rơi: Với người mới tập bay do kém "tay nghề" nên thường gặp những lỗi điều khiển, gây nên những tai nạn thường trực nhất như mất thăng bằng lao xuống đất hoặc va chạm trên không với... cột điện, chim trời. Với người chơi lâu năm thì lại gặp tai nạn do hỏng hóc động cơ như chết máy, cháy nổ, lỏng pin hoặc mất tín hiệu điều khiển... dẫn đến máy bay rơi tự do. Hậu tai nạn, nhẹ thì gãy cánh, cong đuôi, bốc khói, vỡ bánh răng... Nặng thì máy bay trở thành cục sắt. Vậy nên triết lý của dân chơi máy bay mô hình là "Đã bay thì phải chấp nhận rơi".

Vũ Phương, một thành viên kể lại: "Trong 8 tháng đầu chơi, tôi đã phải thay đến 80 cặp cánh quạt cho máy bay, lần tốn tiền nhất là thay cánh quạt cho chiếc T-REX700 với giá 1,5 triệu đồng".

Các thành viên trong CLB cũng vẫn nhớ vẻ mặt nghệt ra của các "phi công" khi chứng kiến cảnh máy bay của mình lao xuống đất như tên bắn. "Hôm ấy, chiếc P51 của một thành viên khi đang biểu diễn bay ngửa nhanh như tia chớp định vẽ một hình vòng cung bỗng không ngóc đầu lên được và chúi đầu xuống đất. Số tiền hàng chục triệu bỗng hóa đống phế liệu, khiến phi công buồn mất cả tháng trời", một thành viên kể lại.

Theo baomoi.com

0 nhận xét:

Đăng nhận xét